Thạc Sĩ Công Nghệ Sinh Học Bách Khoa

Thạc Sĩ Công Nghệ Sinh Học Bách Khoa

Phương pháp nghiên cứu khoa học

Phương pháp nghiên cứu khoa học

Đỗ đầu vào "điểm thường", điểm tốt nghiệp đầu ra xuất sắc

Nguyễn Thị Hằng, sinh viên ngành Kỹ thuật Hóa học, Trường Hóa và Khoa học Sự sống có điểm tổng kết trung bình môn toàn khóa là 3,68, điểm rèn luyện 92. Với kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc, Hằng tốt nghiệp sớm một kỳ. Em vinh dự được Giáo sư một trường Đại học ở Hàn Quốc nhận học tiếp thạc sỹ từ khi chưa tốt nghiệp.

Điểm tổng kết trung bình của Hằng cao nhất trong số sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được khen thưởng hệ kỹ sư, ngành Kỹ thuật Hóa học của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2024.

Trong lễ tốt nghiệp sớm sắp tới, Hằng vinh dự đại diện cho các sinh viên phát biểu. Nữ sinh cho biết, trong bài phát biểu, cùng với lời cảm ơn đến thầy cô và gia đình, em nói về quá trình trưởng thành, những kỷ niệm đáng nhớ trong suốt 4 năm rưỡi học ở Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN) đã giúp em trưởng thành ra sao.

Nữ sinh chia sẻ, thời phổ thông em trầm tính, khá nội tâm. Thi đại học, em đạt 24 điểm khối B00 (toán, hóa, sinh), mức điểm đầu vào không quá cao so với một số sinh viên khác. Được biết hai tháng đầu của năm nhất, em khá choáng vì cách học khác hẳn thời phổ thông.

Nguyễn Thị Hằng, sinh viên ngành Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách khoa Hà Nội (Ảnh: Th. Hằng).

Em đặt mục tiêu và may mắn ngay kỳ đầu tiên đạt loại giỏi. Nhờ có kết quả kỳ I năm nhất làm tiền đề, em tiếp tục phấn đấu, học thêm tiếng Anh và tham gia nhiều hoạt động khác.

Thế nhưng năm 2 thực sự khó khăn với cô bé miền Trung bởi các môn học bắt đầu nặng và khô khan. Việc học thêm ngoại ngữ, phải tham gia nghiên cứu trong phòng thí nghiệm…, đôi khi khiến em mệt mỏi, quá tải. Nhiều lúc em tự hỏi, liệu lựa chọn của mình có đúng đắn không?

Thế nhưng sau tất cả những áp lực, em tiếp tục bứt phá, đoạt giải nhì sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường, đạt 4/9 học bổng loại A, 2 kỳ đạt học bổng loại B và 4 kỳ đạt học bổng doanh nghiệp.

Chia sẻ về bí quyết học tập, Hằng cho hay, hồi phổ thông học lực của em không thuộc dạng xuất sắc nhất trường hoặc nhất lớp. Vào ĐHBKHN, em càng áp lực hơn bởi vây quanh mình rất nhiều bạn giỏi, xuất thân từ trường chuyên lớp chọn.

Với những môn học khó, giáo trình dày, lúc đầu em đặt mục tiêu ra trường với tấm bằng giỏi đã quá sức. Thế nhưng càng ngày, em thấy các môn học càng thú vị nên cố gắng học tập, làm bài tập đầy đủ. Em đặt cho mình quy tắc, dù làm gì mỗi ngày phải dành khoảng 2 giờ đồng hồ học và đọc giáo trình ở thư viện.

Trước khi lên lớp, em đọc giáo trình, xem lý thuyết nên khi nghe giảng sẽ "vào" nhanh hơn. Chính cách học này và sắp xếp thời gian hợp lý, khiến em có kết quả học tập tốt.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Hằng cho biết, mình sinh ra ở miền biển Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bố là ngư dân, mẹ làm muối. Thu nhập của gia đình em đều trông chờ các chuyến đi biển của bố và việc làm muối của mẹ.

Mỗi chuyến đi biển của bố Hằng lâu nhất kéo dài nửa tháng. Mỗi lần như vậy, cả mấy mẹ con ở nhà đều phấp phỏng lo âu. Vậy nên việc học phổ thông của em chỉ tự học ở nhà và nghe thầy cô giảng ở trường, mỗi khi đến gần kỳ thi, em học thêm một ít môn toán và hóa học.

Ra Hà Nội, em sốc mất vài tháng đầu. "Những ngày đầu tiên ra Hà Nội, em cô đơn đến bơ vơ. Nhiều lúc em nghĩ, liệu mình có thể sống được ở thành phố xô bồ, rộng lớn này không? Ngoài số tiền ít ỏi bố mẹ cho mỗi tháng, cộng với học bổng, em bắt đầu nhận các "cuốc" làm thêm, dạy thêm, có tuần lịch dạy thêm lên đến 4 buổi", Hằng nhớ lại.

Thanh Hằng (bên phải) và PGS.TS Phạm Thanh Huyền (áo đỏ), giảng viên hướng dẫn tốt nghiệp (Ảnh: Th. Hằng).

Từ năm 2, em bắt đầu tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, hỗ trợ các chương trình tư vấn tuyển sinh của trường. Ở đó em gặp được nhiều bạn bè, một số người "học bá" trở thành nguồn động lực phấn đấu của em. Từ cô bé nhút nhát, Hằng dần trở nên năng động hơn.

Mặc dù mới năm 3 nhưng em đã chủ động tìm việc tại các công ty. Mới đây nhất, em trúng tuyển và làm việc tại một trường phổ thông quốc tế tại Hà Nội khi chưa tốt nghiệp đại học.

Hằng chia sẻ, mặc dù gia đình rất thích em học Y - Dược nhưng với sở thích với môn hóa học và niềm ngưỡng mộ, em chọn ĐHBKHN. Với em, đây là sự lựa chọn xứng đáng.

Nguyễn Thị Hằng nhận học bổng (Ảnh: Th. Hằng).

"Có lẽ động lực lớn nhất với em là từ gia đình. Nghề nghiệp của bố mẹ quá vất vả, em mong muốn thoát ra khỏi vùng biển quê nhà để tìm đến chân trời rộng lớn hơn.

Nhiều người đặt câu hỏi, sau khi tốt nghiệp, em có muốn làm doanh nghiệp không? Em nghĩ, mình thích giáo dục, có thể sau này em sẽ học tiếp cao hơn và mong muốn làm giảng viên thay vì chọn làm kinh doanh tại một doanh nghiệp nào đó", Hằng nói.

Nhận xét về nữ sinh Nguyễn Thị Hằng, PGS.TS Phạm Thanh Huyền, giảng viên hướng dẫn tốt nghiệp của em cho biết, Hằng tham gia nhóm nghiên cứu của mình trong thời gian gần 3 năm. Hằng rất chủ động trong học tập, cầu thị và khá khiêm tốn.

"Với thành tích học tập xuất sắc, Hằng tốt nghiệp sớm một kỳ. Em đã được Giáo sư từ một đại học của Hàn Quốc nhận để học tiếp thạc sĩ từ khi chưa tốt nghiệp.

Hằng cũng là nữ sinh có điểm trung bình các môn cao nhất trong số sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được khen thưởng hệ kỹ sư, ngành Kỹ thuật Hóa học của ĐH Bách khoa Hà Nội", PGS. TS Phạm Thanh Huyền cho biết.